Trang tin tức sự kiện
 
"Mềm hóa" các môn chính trị để khơi dậy tình yêu trong sinh viên

PGS. TS. Trần Đức Hiệp, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, phát biểu khai mạc buổi toạ đàm
Ngày 03/01/2020, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Toạ đàm Khoa học “Giảng dạy Kinh tế Chính trị Mác - Lênin theo chương trình mới” với mục đích khơi dậy tình yêu trong sinh viên đối với các bộ môn chính trị trước đây được cho là "khô cằn, khó học".


Tham dự buổi tọa đàm là các thầy cô giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng từ các học viên, trường đại học trên địa bàn Hà Nội sẽ trực tiếp tham gia giảng dạy học phần Kinh tế Chính trị Mác - Lênin trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã được lắng nghe PGS.TS. Phạm Văn Dũng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, thành viên Tổ Biên soạn giáo trình Kinh tế Chính trị mới chia sẻ những thông tin liên quan đến nội dung đổi mới của giáo trình, những nội dung, tư tưởng mà giảng viên cần thống nhất, chuẩn hoá và vận dụng đúng đắn, đầy đủ trong quá trình giảng dạy cho sinh viên như: Đặc trưng của môn học; Cách tiếp cận; Nội dung chính của chương trình chuyên và không chuyên; Phương pháp nghiên cứu; Phương pháp giảng dạy…

 
 PGS.TS. Phạm Văn Dũng nêu ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn Kinh tế Chính trị Mác-Lê-nin
Các đại biểu cũng đã tích cực trao đổi ý kiến nhằm giúp giảng viên vận dụng những kiến thức thực tiễn sát với chuyên ngành của người học, góp phần làm cho Kinh tế Chính trị Mác - Lênin trở nên gần gũi với thế hệ trẻ.

Trong khuôn khổ buổi toạ đàm, Khoa Kinh tế Chính trị cũng đã thông tin đến các giảng viên về đề cương chính thức của học phần, lộ trình giảng dạy, cách thức kiểm tra và thi cử đối với học phần Kinh tế Chính trị Mác - Lênin… để các thầy cô cùng thống nhất thực hiện. Đặc biệt, Khoa sẽ tăng cường thời gian thực hành, thực tập thực tế, lồng ghép các video, tranh ảnh vào giờ giảng, trong cách đánh giá, thi cử sẽ có những câu hỏi liên quan trực tiếp đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội đang diễn ra, buộc sinh viên phải cập nhật thông tin thời sự, có biện giải của riêng mình, có cơ sở khoa học để giải quyết vấn đề.

Với nội dung và phương pháp giảng dạy mới, các nhà khoa học và các giảng viên tin tưởng sinh viên sẽ yêu thích và học tập tốt môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin. Từ đó, góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, có thế giới quan và phương pháp luận khoa học, luôn tin tưởng và tích cực tham gia vào sự nghiệp phát triển đất nước.

 
 

Hương Lan